Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tam Bình vừa ban hành thông báo số 01/TB-PNN&PTNT, ngày 05/01/2023, về việc chủ động phòng trừ sâu bệnh gây hại trên lúa Vụ Đông xuân năm 2023-2024. Theo đó, đến nay, toàn huyện xuống giống dứt điểm với diện tích 11.324,1 ha, tập trung chủ yếu làm 2 đợt: Đợt 1: Trà sớm 30/10 - 06/11 (nhằm 16/9- 23/9 (âl)): Diện tích xuống giống: 309 ha (Bình Ninh, Ngãi Tứ, Loan Mỹ), lúa đang giai đoạn trổ. Đợt 2: Trà chính vụ 13/11 - 07/12 (nhằm mùng 01/10 - 25/10 (âl)): Diện tích xuống giống: 11.015,1 ha, lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng.
Nhằm giúp nông dân quản lý tốt một số đối tượng dịch hại gây hại trên lúa Đông Xuân năm 2023-2024, đặc biệt là bệnh đạo ôn, bệnh vàng lá chín sớm, rầy nâu, … có nguy cơ phát sinh và gây hại trên lúa trong giai đoạn hiện nay. Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tam Bình thông báo khuyến cáo bà con nông dân một số lưu ý khi sản xuất lúa Đông Xuân 2023-2024, như sau:
Đối với bệnh đạo ôn lá: Tác nhân: do nấm Pyricularia oryzae gây ra, bệnh phát triển gây hại trên các giống lúa OM 5451, OM 6976, OM 18, Đài thơm 8,… Đặc biệt gây hại nặng trên giống OM 18, Đài thơm 8. Thời điểm xuất hiện: Ở mọi giai đoạn sinh trưởng của cây lúa.
Triệu chứng: trên lá lúa vết bệnh ban đầu nhỏ như đầu kim, màu nâu, sau đó thành hình mắt én tâm xám viền nâu; nhiều vết bệnh liên kết lại làm cho lá bị cháy khô. Nấm bệnh có thể tấn công trên đốt thân làm gãy ngang thân lúa, hoặc tấn công lên cổ gié làm thối cổ gié, hạt bị lép, lửng.
- Biện pháp khắc phục:
Đề nghị bà con nông dân thăm đồng thường xuyên, nhất là lúa đang gần cuối giai đoạn đẻ nhánh. Khi thấy bệnh mới xuất hiện tiến hành xử lý như sau: Ngưng ngay việc bón phân đạm và phân bón lá có đạm. Cho nước vào ruộng, giữ mực nước khoảng 3-5 cm là vừa; Phun thuốc đặc trị bệnh đạo ôn khi lúa xuất hiện dấu chấm kim, không được kết hợp phân bón lá.
Vào giai đoạn lúa ôm đòng - trỗ cần được theo dõi chặt chẽ diễn biến điều kiện thời tiết, nếu điều kiện thời tiết thuận lợi đối với bệnh như ẩm độ cao, thời tiết se lạnh về đêm, sáng sớm có sương mù,… nên tiến hành phun phòng 2 lần trước và sau trổ 7 ngày bằng các loại thuốc đặc trị bệnh đạo ôn.

Ảnh: thời tiết sáng sớm có sương mù, se lạnh về đêm, ẩm độ cao như hiện nay thuận lợi bệnh đạo ôn phát triển
* Các loại thuốc có thể sử dụng để phun phòng trừ bệnh đạo ôn như: Beam 75WP, Bump 650WP,…liều lượng sử dụng theo khuyến cáo trên nhãn chai, phải đủ lượng nước và phun thuốc ướt hết tán lá.
Bên cạnh đó, nông dân cần thường xuyên thăm đồng và theo dõi phát hiện sớm một số đối tượng dịch hại như: Bệnh vàng lá chín sớm, rầy nâu, rầy phấn trắng, sâu cuốn lá, … để có biện pháp phòng trừ sớm đạt hiệu quả cao./.
N.M