Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long vừa ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2022. Theo đó, mục đích kế hoạch nhằm chuyển đổi diện tích lúa không ổn định hoặc không đảm bảo đủ nguồn nước tưới trong quá trình sản xuất sang trồng các loại cây trồng hàng năm, cây lâu naăm hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản trên cơ sở vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, vừa duy trì quỹ đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh để nhằm khai thác được những lợi thế về đất đai, điều kiện tự nhiên của từng khu vực, tạo thuận lợi để phát triển nông nghiệp bền vững; hình thành các vùng sản xuất chuyên canh với khối lượng sản phẩm lớn, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa hiệu quả cao, phục vụ cho việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh.

Ảnh: nông dân Tam Bình chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng cây cam sành
Tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác năm 2022 trên địa bàn tỉnh là 29.500 ha, trong đó: chuyển sang trồng cây hàng năm là 26.800 ha, chuyển sang trồng cây lâu năm là 2.700 ha. Theo kế hoạch phân bổ, năm 2022 huyện Tam Bình thực hiện chuyển đổi cây hàng năm 3.200 ha, cây lâu năm 650 ha, trong đó cam sành 500 ha.
Việc chuyển đổi đất trồng lúa phải đúng quy định của pháp luật về quản lý đất đai và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện và phải đi liền với bảo vệ đất lúa. Diện tích chuyển đổi phải nằm trong quy hoạch (hoặc kế hoạch) chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
UBND các huyện xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của cấp huyện trên cơ sở kế hoạch chuyển đổi của tỉnh; Chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện xây dựng kế hoạch, dự án, phương án cụ thể hàng năm về chuyển đổi cơ cấu cây trồng; Căn cứ kế hoạch của UBND cấp xã, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch, dự án, phương án cụ thể hàng năm về chuyển đổi cơ cấu cây trồng; Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa đảm bảo đúng quy hoạch, kế hoạch, đúng mục đích sử dụng đất và định hướng lựa chọn cây trồng phù hợp vào sản xuất; Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng để người dân biết và thực hiện. Tăng cường các biện pháp thu hút, mời gọi và tạo điều kiện cho các thành phần tham gia vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng; để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo.
Định kỳ hàng năm báo cáo tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 15/12 hàng năm để tổng hợp báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
N.M