Mùa nắng nóng, đặc biệt là giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 7 hàng năm, thường mang theo nhiều bất lợi cho đàn vật nuôi. Nhiệt độ cao, độ ẩm thay đổi thất thường dễ khiến vật nuôi bị stress, giảm sức đề kháng, từ đó làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Vào mùa nắng nóng, vật nuôi rất dễ gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe do nhiệt độ môi trường tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sinh lý và khả năng miễn dịch. Một trong những tình trạng phổ biến nhất là sốc nhiệt (stress nhiệt) khi vật nuôi không thể tự điều hòa thân nhiệt, dẫn đến thở gấp, mệt mỏi, giảm ăn, nằm nhiều, thậm chí có thể tử vong nếu không được can thiệp kịp thời. Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng làm cho thức ăn dễ ôi thiu, nước uống nhanh bị nhiễm bẩn, gây ra rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, mất nước nghiêm trọng. Việc mất nước còn khiến vật nuôi rơi vào tình trạng rối loạn điện giải, biểu hiện qua việc lờ đờ, bỏ ăn, yếu cơ, ảnh hưởng đến sự phát triển và năng suất chăn nuôi. Do nhiệt độ cao khiến vật nuôi ăn kém, hấp thu dinh dưỡng không hiệu quả, nên tốc độ tăng trưởng và sinh sản đều bị ảnh hưởng, chẳng hạn như gà mái giảm đẻ trứng, trứng nhỏ và vỏ mỏng, lợn nái giảm khả năng sinh sản. Sức đề kháng suy giảm cũng khiến vật nuôi dễ mắc các bệnh truyền nhiễm như bệnh tai xanh, dịch tả Châu Phi, tụ huyết trùng, phó thương hàn, viêm da nổi cục, cúm gia cầm,... Trong điều kiện nóng ẩm, các loài ký sinh trùng như ve, bọ, ruồi muỗi cũng phát triển mạnh, làm tăng nguy cơ lây lan các bệnh ngoài da hoặc các bệnh nguy hiểm khác. Đặc biệt, gia súc như trâu bò nếu không có nơi trú nắng hoặc không được tắm mát thường xuyên cũng dễ mắc cảm nắng, viêm phổi. Những tác động này không chỉ làm giảm hiệu quả chăn nuôi mà còn gây thiệt hại kinh tế lớn nếu không có biện pháp phòng ngừa phù hợp. Chính vì vậy, người chăn nuôi cần đặc biệt chú trọng theo dõi sức khỏe vật nuôi trong mùa hè và chủ động áp dụng các biện pháp chăm sóc, vệ sinh và phòng bệnh hợp lý.

Hình: Phát triển chăn nuôi heo nông hộ nâng cao thu nhập trên địa bàn huyện Tam Bình
Trong bối cảnh đó, để bảo vệ hiệu quả đàn vật nuôi, người chăn nuôi cần chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh một cách khoa học, đồng bộ và kịp thời.
Trước hết, vệ sinh chuồng trại là yếu tố hàng đầu cần được duy trì thường xuyên. Chuồng nuôi phải được thông thoáng, có mái che, đảm bảo không để ánh nắng chiếu trực tiếp vào vật nuôi, đặc biệt vào thời điểm trưa và chiều. Đảm bảo chuồng trại thông thoáng, tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào; có hệ thống quạt, phun sương hoặc làm mát nếu cần thiết, tuyệt đối không để chất thải tồn đọng, tránh ô nhiễm môi trường và lây lan mầm bệnh. Dụng cụ chăn nuôi như máng ăn, máng uống cần được vệ sinh sạch sẽ mỗi ngày để ngăn ngừa mầm bệnh. Định kỳ phun thuốc khử trùng khu vực chuồng trại và xung quanh môi trường nuôi để tiêu diệt vi khuẩn, virus, nấm mốc có thể gây bệnh.
Tiếp theo, dinh dưỡng hợp lý đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi. Người chăn nuôi nên sử dụng nguồn thức ăn sạch, chất lượng, dễ tiêu, và bổ sung thêm vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa, đặc biệt trong những ngày nhiệt độ cao. Đồng thời, đảm bảo vật nuôi luôn được cung cấp đủ nước mát, sạch; có thể pha thêm điện giải để hỗ trợ cân bằng nội môi và chống mất nước. Ngoài ra, việc tuân thủ lịch tiêm phòng vaccine là biện pháp khoa học giúp phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: tụ huyết trùng, lở mồm long móng, cúm gia cầm, dịch tả lợn, viêm da nổi cục,... Người chăn nuôi cần phối hợp với cán bộ thú y địa phương để giám sát sức khỏe đàn vật nuôi, kịp thời phát hiện và xử lý khi có dấu hiệu bất thường. Tuyệt đối không giấu dịch, không bán chạy vật nuôi ốm chết để tránh nguy cơ lây lan rộng.
Bên cạnh đó, việc quản lý đàn vật nuôi cũng cần được chú trọng. Không nên nuôi với mật độ quá dày trong điều kiện nắng nóng, vì sẽ làm tăng stress, tạo điều kiện cho dịch bệnh phát tán. Người và phương tiện ra vào khu vực nuôi phải được kiểm soát chặt chẽ, có khử trùng và thực hiện tốt các nguyên tắc an toàn sinh học trong chăn nuôi.
Có thể thấy, việc chủ động phòng bệnh theo hướng khoa học, thay vì chỉ chữa bệnh khi có dịch, là giải pháp bền vững giúp người chăn nuôi bảo vệ tài sản, duy trì sản xuất hiệu quả và an toàn. Trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, mỗi hộ chăn nuôi cần nâng cao nhận thức, cập nhật kiến thức kỹ thuật và phối hợp tốt với cơ quan chức năng để xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn, góp phần bảo vệ nguồn thực phẩm sạch và ổn định kinh tế hộ gia đình.
Mùa nắng nóng luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất của đàn vật nuôi. Vì vậy, để hạn chế thiệt hại và duy trì hiệu quả chăn nuôi, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh một cách khoa học, từ việc cải thiện điều kiện chuồng trại, bảo đảm dinh dưỡng, đến việc tiêm phòng đầy đủ và theo dõi sát sao tình hình sức khỏe vật nuôi. Đồng thời, việc phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y và chính quyền địa phương sẽ góp phần phát hiện sớm, xử lý nhanh và hiệu quả các ổ dịch, tránh lây lan ra diện rộng. Chủ động phòng bệnh chính là chìa khóa quan trọng để bảo vệ đàn vật nuôi, bảo vệ nguồn sinh kế và góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm cho cộng đồng trong bối cảnh thời tiết ngày càng cực đoan như hiện nay.
H.N