Để chủ động phòng chống bệnh dại chó, nâng cao nhận thức của người dân về bệnh dại và phòng chống bệnh dại ở động vật, nhất là trẻ em là đối tượng thường xuyên tiếp xúc với chó, mèo, Chi cục Chăn nuôi thú y và Thủy sản tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức thực hiện công tác truyền thông học đường.
Cụ thể, phối hợp phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tam Bình tổ chức truyền thông học đường phòng chống bệnh dại chó, mèo tại các trường tiểu học trên địa bàn huyện Tam Bình.
Trong ngày 27/3/2023, đã tổ chức truyền thông tại 05 trường tiểu học của 05 xã: Xã Hậu Lộc - Trường tiểu học Hậu Lộc; Xã Hòa Lộc – Trường tiểu học Hòa Lộc B; Xã Tường Lộc - Trường tiểu học Tường Lộc B; Xã Hòa Thạnh - Trường tiểu học Hòa Thạnh; Xã Hòa Hiệp - Trường tiểu học Hòa Hiệp.

Buổi truyền thông học đường về phòng, chống bệnh dại chó, mèo tại các trường trên địa bàn huyện Tam Bình
Tại các buổi truyền thông, các cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh đã được thông tin về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, kiến thức cơ bản về bệnh dại, các biện pháp phòng bệnh và cách hạn chế bị động vật cắn như không chạy nhanh gần chó; Không trêu chọc chó, không lại gần chó khi chó đang ăn, ngủ hoặc khi chó mẹ đang cho con bú; Không nhìn thẳng vào mắt chó; Khi một con chó gầm gừ đến sát thì không được quay đầu chạy. Đứng yên tại chỗ, tay duỗi 02 bên. Cho chó ngửi bạn và rồi nó sẽ bỏ đi; Nếu chó tấn công, hãy giả vờ ngồi im, cuộn tròn như quả bóng, che mặt lại.
Để chủ động phòng chống bệnh dại cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Tiêm phòng vắc xin dại đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm; Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo; Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần: Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải rửa vết thương bằng nước sạch đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Đến ngay trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại. Ngoài ra, cần phải chấp hành, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của cơ quan thú y khi có nuôi chó, mèo như thực hiện tốt “5 không” (không nuôi chó, mèo chưa khai báo với chính quyền địa phương, không nuôi chó, mèo không tiêm phòng bệnh dại, không nuôi chó thả rông, không để chó cắn người, không nuôi chó, mèo gây ô nhiễm môi trường).
K.Hoàng – Nhựt