Nhằm tạo điều kiện cho hàng hóa nông sản trên địa bàn huyện sản xuất ra được kiểm soát, đúng qui trình, đảm bảo an toàn thực phẩm, có chứng nhận mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và thuận lợi trong việc tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Hỗ trợ cấp mã số vùng trồng cho cây trồng chủ lực trên địa bàn huyện, có tiềm năng xuất khẩu. Ủy ban nhân dân huyện Tam Bình vừa ban hành Quyết định phê duyệt kế hoạch thực hiện mã số vùng trồng, mã số đóng gói huyện Tam Bình năm 2023.
Theo kế hoạch, huyện triển khai các văn bản hướng dẫn cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản trên địa bàn huyện cho UBND các xã, thị trấn. Thông qua các buổi họp cộng tác viên ngành nông nghiệp phối hợp tuyên truyền và triển khai các văn bản về cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản.

Ảnh: Tam Bình hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung có thể đáp ứng nhu cầu cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu
Tổ chức tập huấn hướng dẫn cho nông dân về thành phần hồ sơ và quy trình thực hiện các bước để chứng nhận cấp mã số vùng trồng. Tập huấn các quy định thủ tục cấp mã số vùng trồng, hướng dẫn ghi chép sổ tay canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn hiệu quả, hướng dẫn kiểm tra và xử lý các đối tượng kiểm dịch thực vật xuất hiện trên đồng ruộng…đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định xuất khẩu.
Địa điểm: tại các xã dự kiến cấp mã số vùng trồng: Sầu riêng: ở các xã Hòa Thạnh, Mỹ Thạnh Trung, Phú Lộc, Tân Phú, Loan Mỹ. Mít: Phú Thịnh, Mỹ Thạnh Trung. Bưởi: Ngãi Tứ, Hòa Thạnh (Loại cây trồng và địa điểm có thể thay đổi theo nhu cầu địa phương và thị trường tiêu thụ). Số lượng lớp tập huấn: 10 lớp; 30 người/lớp. Tổ chức khảo sát qui mô diện tích trồng tập trung từng chủng loại nông sản, hướng dẫn lập hồ sơ đề xuất cấp mã số vùng trồng theo (tiêu chuẩn cơ sở 774:2020/BVTV về Quy trình thiết lập và giám sát vùng trồng; tiêu chuẩn cơ sở 775:2020/BVTV về Quy trình thiết lập và giám sát cơ sở đóng gói), hướng dẫn ghi chép sổ tay nhật ký sản xuất theo đúng quy định.
Phòng Nông nghiệp và PTNT: Phân công cán bộ làm đầu mối và có phương án chuyển giao khi có sự thay đổi vị trí công tác để đảm bảo duy trì ổn định hoạt động quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; Thường xuyên theo dõi tình hình thực hiện hợp đồng mua bán tại các mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để kịp thời phát hiện và báo cáo đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói tại địa phương;
Ủy ban nhân dân các xã: Phân công cán bộ phụ trách công tác thực hiện mã số vùng trồng và mã số đóng gói. Lập danh sách đề nghị cấp mã số vùng trồng theo quy định, tuyên truyền, vận động và phối hợp với ngành chuyên môn hướng dẫn nông dân ghi chép sổ tay và thủ tục cấp mã số vùng trồng theo đúng quy định. Hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và kinh doanh nông sản trên địa bàn. Thường xuyên theo dõi tình hình thực hiện hợp đồng mua bán tại các mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói./.
N.M