Kinh doanh bán hàng đa cấp (BHĐC) có nguồn gốc từ các nước phương Tây được du nhập vào Việt Nam từ năm 1998. Được xem là hình thức bán hàng của thế kỷ XXI, do có những ưu thế đặc biệt: Tiết kiệm chi phí quảng cáo tối đa; đại lý và khách hàng của Cty được mua sản phẩm với giá ưu đãi trích từ khoản tiết kiệm quảng cáo, đồng thời họ cũng được nhận hoa hồng khi trở thành trung tâm giới thiệu và phân phối sản phẩm cho người khác… Thế nhưng BHĐC đang bị biến tướng và trở thành một hình thức kinh doanh lừa nhiều, thật ít.
Trong thời gian qua, trên địa bàn huyện Tam Bình xuất hiện các công ty kinh doanh hàng hóa thực hiện các chương trình khuyến mãi, hội thảo du lịch và tổ chức đoàn tham quan miễn phí… Sau đó, trên chuyến đi sẽ dùng mọi chiêu trò ép buộc người tham gia tour không thể từ chối mua các sản phẩm.
Cụ thể, Ngày 30/6/2022, nhận tin báo của người dân trên địa xã Hòa Thạnh, huyện Tam Bình đã xảy ra vụ việc một Công ty sữa tổ chức hoạt động du lịch mang danh tri ân khách hàng để bán sữa cho người dân, Đoàn kiểm tra liên ngành thuộc Thanh tra Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Vĩnh Long, Công an tỉnh Vĩnh Long và Thanh tra Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long tổ chức kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật liên quan đến du lịch của Công ty này. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản làm việc với nhân viên thu ngân của công ty và sẽ tiếp tục mời làm việc đại diện hợp pháp của Công ty sữa này vào đầu tháng 7 để làm rõ vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.
Cơ quan chức năng cho biết, những chiêu trò của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp lừa đảo thường theo mô hình kim tự tháp ảo, hay mô hình nhị phân và ma trận biến tướng, có những đặc điểm như: yêu cầu người tham gia đóng phí để gia nhập mạng lưới; trả thưởng cho người mới tham gia vào hệ thống; người tham gia không ngừng phải mua số lượng sản phẩm nhiều hơn mức họ có thể bán; không cho phép trả lại hàng tồn; thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa để dụ dỗ người khác tham gia... Chiêu “độc” nhất mà doanh nghiệp bán hàng đa cấp thường sử dụng là đánh vào lòng tham của người tham gia với mức chi trả hoa hồng cao. Nhiều người ham thu lợi nhanh đã vội vàng “tự nguyện” lao vào vòng xoáy của bán hàng đa cấp này và các đối tượng mà các nhân viên đó hướng đến là các người dân tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng báo dân tộc thiểu số. Họ sẽ tạo cho người dân những điều kiện về vật chất, tinh thần để họ tin tưởng sau đó dùng những lời lẽ để thuyết phục họ mua hàng hóa. Tuy nhiên, sản phẩm họ bán đều kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ với giá thành cao.
Trước tình trạng trên Công an Huyện Tam Bình tiếp tục triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp, cụ thể là việc bán hàng hóa thông qua các buổi hội thảo và các tour du lịch 0 đồng, trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về vấn đề trên cho người dân nắm, vận động người dân không tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp các hoạt động của các tổ chức để vi phạm pháp luật. Đồng thời, thông tin nội dung sự việc, chỉ đạo cán bộ, công chức và quần chúng nhân dân trên địa bàn huyện cải chính thông tin trên là không đúng sự thật, không để xảy ra dư luận xấu trong quần chúng nhân dân ảnh hưởng đển tình an ninh, trật tự; kịp thời phát hiện và xử lý các hoạt động tổ chức bán hàng đa cấp, kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.
Ngoài sự nỗ lực của cơ quan chức năng trong công tác phòng ngừa với tội phạm bán hàng đa cấp, thì việc nâng cao ý thức chủ động trước những âm mưu, hoạt động của bán hàng đa cấp của người dân là điều cần thiết trước mắt. Đồng thời, người dân cũng cần tích cực tham gia tố giác tội phạm, điều đó sẽ góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn./.
Thái Thịnh