GIỚI THIỆU SÁCH
- Tên sách: Khoa cử Việt Nam và truyện các ông Nghè
*Khoa cử Việt Nam và truyện các ông Nghè / Vũ Ngọc Khánh. - H. : Văn hóa dân tộc, 2018. - 299tr.; 21cm
Ông Nghè là một tên gọi khá quen thuộc (nhưng mang sắc thái khẩu ngữ) của dân gian ta, chỉ những ai đỗ tới bậc tiến sĩ trước đây. Thời phong kiến Việt Nam, hình ảnh những ông tiến sĩ, ông nghè vinh quy bái tổ luôn là một hình ảnh cao quý, là vinh dự lớn lao. Đó là thành quả của công phu học tập, tu dưỡng, những ông nghè và hệ thống khoa cử đóng góp không nhỏ vào nền văn hiến của quốc gia. Phải thừa nhận rằng, để xây dựng nước ta trở thành một quốc gia văn hiến, có một vị trí văn hóa nhất định có đóng góp không nhỏ của giáo dục khoa cử và các ông cống ông nghè.
Quyển sách “Khoa cử Việt Nam và truyện các ông Nghè” do Vũ Ngọc Khánh biên soạn, Nxb. Văn hóa Dân tộc ấn hành năm 2018 sẽ giới thiệu đến bạn đọc những câu chuyện, những giai thoại thú vị về các vị trạng nguyên, tiến sĩ được truyền tụng bởi tài học vấn, trí thông minh và lối ứng xử.
Phần 1 trình bày những nội dung chính về lịch sử khoa cử Việt Nam đến hết thời Nguyễn cùng những diễn giải liên quan đến danh hiệu ông nghè. Nhà Lý là triều đại phong kiến đầu tiên ở Việt Nam xác lập chế độ giáo dục khoa cử có hệ thống, sau đó có sự thay đổi vào các đời nhà Trần, Hồ Quý Ly. Sau chiến thắng Lam Sơn, các vua đầu triều Lê đã cho đặt Quốc Tử Giám (Thái học viện) là cơ quan giáo dục cao nhất trong nước với giảng đường, ký túc xá, kho tàng trữ sách phục vụ cho việc giảng dạy và học tập; chế độ thi cử đi vào nề nếp; nhà nước đặc biệt chú ý đến việc chọn lựa và đề cao tầng lớp nho sĩ;… Các thế kỷ tiếp theo, mặc dù có khi gặp biến cố chiến tranh, đất nước chia cắt nhưng việc học hành thi cử vẫn được tiến hành. Thế kỷ XIX bắt đầu với triều đại Gia Long, cũng lấy Nho học làm quốc giáo. Người đi học phải qua 3 kỳ thi lớn là thi Hương, thi Hội, thi Đình. Những bài làm trong các kỳ thi phải theo các quy tắc và thể thức rất nghiêm ngặt. Sau khi đỗ đạt, họ sẽ được xướng danh ông nghè, được vinh quy, lập bia tiến sĩ (thời Lê Thánh Tông), được nhà nước trưng dụng bổ nhiệm làm quan để phục vụ cho đất nước.
Phần 2 giới thiệu những chuyện, những giai thoại về các vị trạng nguyên, tiến sĩ xưa như: Lê Văn Thịnh, Nguyễn Hiền, Mạc Đĩnh Chi, Lương Thế Vinh, Nguyễn Thực, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Đăng Cảo, Lê Quý Đôn, Giáp Hải, Nguyễn Thiến, Vũ Duệ,… Đây là những câu chuyện thú vị chủ yếu truyền tụng về tài học vấn, trí thông minh và lối ứng xử của các ông nghè, hay những mẩu chuyện về truyền thống hiếu học của các gia đình khoa - bảng, giúp người đọc rút ra bài học tôn vinh các bậc nhân tài, những người góp phần làm nên các giá trị văn hóa của đất nước.
Trân trọng kính mời quý vị và các bạn tìm đọc quyển sách “Khoa cử Việt Nam và truyện các ông Nghè” tại Thư viện huyện Tam Bình.
- Tên sách: Anh hùng hào kiệt Việt Nam
*Anh hùng hào kiệt Việt Nam / Vũ Thanh Sơn. - Tái bản lần thứ 1. - H. : Công an nhân dân, 2018. - 727tr.; 24cm
“Dân ta phải biết sử ta” – Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở mọi người Việt Nam phải hiểu rõ lịch sử dân tộc. Nói tới lịch sử dân tộc, điều đầu tiên chúng ta cần nhớ là ở từng thời đại, những anh hùng, hào kiệt nào đã làm rạng rỡ cho thời đại ấy.
Cuốn sách “Anh hùng hào kiệt Việt Nam” của nhà văn, nhà nghiên cứu Vũ Thanh Sơn xuất bản năm 2018 được tái bản từ bộ sách “284 Anh hùng hào kiệt của Việt Nam”, viết về chân dung của các Anh hùng hào kiệt của Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Trong đó nhiều nhân vật mà các cuốn sách đã xuất bản từ trước đến nay chưa hề được đề cập đến.
Chân dung các nhân vật lịch sử Việt Nam trong thời kỳ cận đại được tác giả tập trung khắc họa ở 3 nhóm chính tương ứng với 3 thời kỳ sôi động của lịch sử Việt Nam: Đó là thời kỳ đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược cuối thế kỷ XIX; Phong trào Cần Vương với nhiều cuộc khởi nghĩa tiêu biểu của văn thân chống Pháp (1885 - 1896) phát triển rộng từ Nam ra Bắc; Phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp đầu thế kỷ XX với ý thức của hệ tư tưởng mới (Phong trào Duy Tân, Đông Du dưới sự lãnh đạo của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh…)
Giới thiệu gần 300 gương anh hùng hào kiệt của Việt Nam đã anh dũng chiến đấu và hy sinh trong sự nghiệp đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc. Mỗi người tuy có xuất thân khác nhau, là nông dân, quan lại hay quý tộc đều xứng đáng được tôn vinh vì những đóng góp quan trọng cho nền độc lập. Cuốn sách cũng góp phần tuyên truyền, giáo dục, nuôi dưỡng tinh thần yêu nước và hào khí dân tộc.
Cuốn sách “Anh hùng hào kiệt Việt Nam” do nhà xuất bản Công an nhân dân xuất bản với 727 trang hiện đang được phục vụ tại phòng đọc của Thư viện huyện Tam Bình.
Xin trân trọng được phục vụ quý bạn đọc!
K.Hoàng