Hiện nay, thời tiết đang bước vào mùa mưa, đây là thời điểm các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm có nguy cơ bùng phát và gây hại. Do đó, công tác quản lý, giám sát và phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi, đảm bảo an toàn dịch bệnh cần được huyện thực hiện đồng bộ.
Ngay từ đầu quý II, căn cứ vào số lượng tổng đàn gia súc, gia cầm ở từng địa phương, ngành Chăn nuôi và Thú y của huyện cũng đang khẩn trương triển khai thực hiện tiêu độc khử trùng ở các khu chăn nuôi với số lượng lớn. Còn tại các lò giết mổ tập trung, các điểm chợ, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì cơ quan chuyên môn hướng dẫn cách vệ sinh nhằm tiêu diệt mầm bệnh trong môi trường. Đặc biệt là tăng cường công tác kiểm dịch động vật, kịp thời phát hiện và xử lý những sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, tránh nguy cơ dịch bệnh bùng phát trên địa bàn.
Tuy nhiên, dù đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nhưng tình hình dịch bệnh cũng có thể diễn biến phức tạp nếu chúng ta lơ là công tác phòng chống dịch bệnh. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 01 ổ dịch tả heo châu Phi với tổng đàn là 109 con. Đây là loại dịch bệnh được đánh giá có nguy cơ xâm nhập, lây lan và bùng phát nhanh trong điều kiện thời tiết giao mùa nên công tác phòng chống dịch bệnh của huyện càng được khẩn trương thực hiện. Bên cạnh đó, các loại mầm bệnh khác lưu hành với tỷ lệ cao, phạm vi rộng, một số bệnh lại chưa có vắc-xin, thuốc điều trị. Việc chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm tỷ trọng cao rất khó kiểm soát khi dịch bệnh bùng phát.
Để giúp người chăn nuôi chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, ngành Chăn nuôi và Thú y huyện chú trọng công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người chăn nuôi và người tiêu dùng; rà soát số đàn mới phát sinh để hướng dẫn người dân vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng vắc-xin đầy đủ liều theo quy định. Trong 5 tháng đầu năm 2022, huyện đã tiêm phòng lở mồm long móng cho 4.070 con heo, 2.250 con bò; kiểm dịch vịt thịt 142.811 con; kiểm soát giết mổ 15.265 con heo.
Theo khuyến cáo của ngành Chăn nuôi, trong mùa mưa, thời tiết ẩm ướt là tác nhân gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của gia súc, gia cầm. Vì vậy, người chăn nuôi cần chủ động đề phòng dịch bệnh, đồng thời cung cấp dinh dưỡng cho đàn vật nuôi, tiêm phòng dịch bệnh, sát trùng, vệ sinh chuồng trại bằng các loại hoạt chất được chỉ định, bổ sung thức ăn tinh và xanh để phòng chống bệnh cho đàn vật nuôi.
Song song đó, vào thời điểm chuyển mùa, người chăn nuôi cần chú trọng thực hiện các biện pháp, như: Che chắn chuồng trại tránh mưa tạt, gió lùa; khi nhiệt độ môi trường giảm cần giữ ấm cho đàn vật nuôi, nhất là gia cầm non cần phải có chuồng úm, quây úm, đèn sưởi để cung cấp nhiệt cho phù hợp. Chú trọng viêc theo dõi sức khỏe đàn gia súc, gia cầm, phát hiện sớm các biểu hiện bất thường để cách ly, theo dõi và điều trị; nếu thấy có biểu hiện nặng và lây lan nhanh phải thông báo ngay cho cán bộ thú y địa phương để được hướng dẫn xử lý kịp thời. Khi có nhu cầu vận chuyển gia súc, gia cầm cần chú ý theo dõi thông tin về thời tiết để tránh vận chuyển vào những ngày có mưa, gió; chú ý bảo đảm các quy trình vận chuyển, thực hiện nghiêm việc kiểm dịch động vật để bảo đảm an toàn dịch bệnh.
Bài: GM