Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác thi đua, khen thưởng (TĐ-KT). Người chỉ rõ: “Thi đua là gieo trồng, Khen thưởng là thu hoạch”. Người coi TĐ là cách tốt nhất để khơi dậy lòng yêu nước, ý chí tự lực tự cường, khí phách và lòng tự hào, tự tôn dân tộc, làm cho lòng yêu nước được bộc lộ, thể hiện bằng những hành động cụ thể trong lao động, sản xuất, chiến đấu và học tập hằng ngày của đông đảo quần chúng nhân dân. Trong thi đua yêu nước, khen thưởng là hình thức xác nhận sự công nhận của xã hội với những cống hiến của các cá nhân, tập thể cho sự nghiệp cách mạng. Khen thưởng chính xác, kịp thời, đúng người, đúng việc sẽ có tác dụng động viên khuyến khích mọi cá nhân, tập thể hăng hái thi đua, tạo được nhiều thành tích cho cách mạng, trực tiếp làm cho phong trào thi đua phát triển.
Ngay từ đầu năm, Hội đồng TĐ-KT của huyện đã triển khai các phong trào TĐ đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân. Đó là phong trào “Hỗ trợ đóng góp tiền của, vật chất xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện”; phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; phong trào “Phát huy vai trò của đồng bào dân tộc Khmer trong phòng ngừa tố giác tội phạm góp phần giữ gìn an ninh trật tự đảm bảo bình yên trên địa bàn”; phong trào “Thi đua thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn huyện Tam Bình”;...
Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã có những đổi mới trong việc tổ chức các phong trào TĐ, với hình thức phong phú, đa dạng, nội dung cụ thể, thiết thực và được triển khai sâu rộng đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị. Cụ thể, Huyện đoàn với đợt TĐ cao điểm “Tháng thanh niên”; Hội Liên hiệp phụ nữ với phong trào TĐ “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; Hội Nông dân với phong trào “Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi”; Hội Người cao tuổi với phong trào “Xây dựng và nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau”;…. Đặc biệt, các phong trào TĐ được phát động đến Nhân dân trong toàn huyện thông qua các chi đoàn, chi hội nông dân, phụ nữ, hội viên Hội Cựu chiến binh,… cũng được bình chọn và khen thưởng điển hình tiên tiến. Các phong trào được tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân, trong đó các cơ quan, địa phương, đơn vị cũng đã phát động phong trào TĐ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng nơi mình đang công tác.
Có thể khẳng định, phong trào TĐ yêu nước đã thật sự trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy mọi tầng lớp nhân dân phát huy tài năng, trí tuệ, sáng kiến, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam. Công tác tuyên truyền đã góp phần không nhỏ vào việc đẩy mạnh phong trào TĐ yêu nước, phát hiện và cổ vũ những nhân tố mới, điển hình tiên tiến trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, địa phương, các tầng lớp nhân dân, tạo ra khí thế mới, động lực mới cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các ban ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.
Để thi đua trở thành động lực giúp mỗi cá nhân, tập thể hăng say phấn đấu, việc đầu tiên phải kịp thời phát hiện, và khen thưởng đúng người, đúng thành tích, tránh chạy theo thành tích. Kịp thời khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, cần tạo được tính tiêu biểu, nêu gương và lan tỏa trong công tác khen thưởng. Thi đua và khen thưởng là hai nội dung có quan hệ chặt chẽ và có sự tác động lẫn nhau. Vì vậy, để nhân rộng điển hình tiên tiến và mô hình, cách làm hay, cần xây dựng kế hoạch bồi dưỡng điển hình ngày một hoàn thiện, hoàn chỉnh, trở thành mẫu mực để những cách làm hay, những kinh nghiệm tốt sẽ nhanh chóng được lan toả sâu rộng đến cộng đồng xã hội.
Bài: K An