Do có lợi nhuận cao nên phong trào trồng cam sành phát triển ngày càng nhanh, nhất là trồng cam dưới ruộng trên nền đất mới. Chỉ tính riêng ở Tam Bình, năm 2020 diện tích chuyển đổi là 684,3 ha, trong đó diện trồng cam 220,2 ha, năm 2021 diện tích chuyển đổi 678,2 ha, trong đó diện tích trồng cam 374 ha, đầu năm 2022 diện tích chuyển đổi là 383,5 ha, trong đó diện tích trồng cam 237 ha. Diện tích trồng cam trên đất ruộng tăng liên tục qua các năm, đặc biệt chỉ mới đầu năm 2022 mà diện tích trồng cam đã chiếm gần 62% diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện.
Diện tích cam tăng nhanh, nhất là cam sành trồng trên đất ruộng là do người trồng áp dụng phương thức trồng khác hơn các năm trước: Trồng với mật độ rất dầy, lên liếp không cao lắm, sử dụng phân bón, thuốc hóa học rất nhiều để xử lý ra hoa nghịch vụ. Từ đó, dễ dẫn đến nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm như: vàng lá thối rễ, vàng lá gân xanh, cam suy thoái nhanh… Bên cạnh đó, nhà vườn ngày càng chú trọng thay đổi cây giống theo hướng vừa tăng năng suất và chất lượng sản phẩm vừa mang lại lợi nhuận cao. Giống cam được đầu tư trồng mới hoặc trồng thay thế dần giống cũ đã thoái hóa, bị nhiễm sâu bệnh hay già cỗi.
Tuy chi phí đầu tư khá lớn, nhất là chi phí ban đầu để lập vườn, cải tạo đất, nhưng doanh thu cũng vượt trội, giúp nhiều hộ vươn lên làm giàu nhờ trồng cam sành. Trong một năm, bình quân mỗi công cam (1.000m2) cho thu hoạch từ 7- 10 tấn trái. Ở vụ nghịch, giá bán 20.000- 25.000 đ/kg, lợi nhuận từ 100- 120 triệu đồng/công/năm. Còn ở vụ thuận, giá bán từ 8.000-12.000 đ/kg, người trồng còn lời từ 60- 80 triệu đồng/công/năm. Cây cam sành có thể thu hoạch liên tục trong 4 năm. Với mức lợi nhuận như trên trong năm thu hoạch đầu tiên nông dân đã lấy lại vốn đầu tư, còn ba năm sau thu lợi nhuận trung bình 150 triệu đồng/công/năm.

Cam sành trên đất ruộng, mật độ rất dầy, từ 400- 500 cây/công (1.000m2), năng suất 7-10 tấn trái/công, cá biệt nông dân sản xuất giỏi có thể đạt 12 tấn/công. Tuy nhiên, chu kì thu trái thấp, thường chỉ kéo dài 3-5 năm, nếu kĩ thuật canh tác tốt có thể thêm 1 năm nữa là phải đốn bỏ, vì khi đó hầu như cây cam đã được khai thác triệt để. Những năm trước, giá cam sành tăng cao, bình quân trên 20.000 đồng/kg, mỗi ha cam sành có thể cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. Nhờ cam sành mà nhiều gia đình có thu nhập cao, vươn lên khá giàu.
Thấy đây là mô hình siêu lợi nhuận, người dân càng hăng hái đưa cây cam sành xuống ruộng, khiến diện tích cam sành tiếp tục tăng mạnh ở vụ Hè Thu này. Hiện nay, cam sành cho thu nhập cao nhưng tiêu thụ nội địa là chính, có xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc cũng chỉ phần nào. Đối với trái cam sành, nhược điểm chính là thời gian bảo quản ngắn, nếu trên cây thì neo được 15 - 20 ngày, còn cắt xuống rồi thì 7 ngày là hư. Hiện chưa có quy trình bảo quản sau thu hoạch trái cam sành cũng như chưa có đơn vị nào đầu tư vào lĩnh vực này ở Vĩnh Long. Các khâu chủ yếu làm thủ công, trái cam dễ hư, dập. Vì vậy, ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân không nên trồng ồ ạt, không theo quy hoạch của địa phương để tránh tình trạng “thừa hàng dội chợ” cam rớt giá như các loại nông sản khác./.
Tác giả: NĐ