Như chúng ta đã biết, cây sao tọa lạc trong khuôn viên chùa Đại Thọ đã được Hội Sinh vật cảnh Việt Nam công nhận là cây di sản năm 2016. Tuy nhiên, do cây đã bị sét đánh từ ngọn xuống đến gốc làm tét một phần thân cây, cùng với sự già cõi của cây (theo ghi nhận cây đã có hơn 700 năm tuổi) nên đầu năm 2021, Sư cả và Ban quản trị chùa phát hiện cây có hiện tượng chết (do rụng lá nhiều tháng mà không thấy ra lá trở lại). Với trách nhiệm là quản lý ngôi chùa, đồng thời cũng là quản lý di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh (Chùa được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 970/QĐ-UBND, ngày 17/4/2003), Sư cả và Ban quản trị chùa đã báo cáo với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long biết để chỉ đạo.
Với tinh thần trách nhiệm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Bảo tàng tỉnh và phối hợp với các Sở ngành liên quan có cuộc khảo sát trực tiếp để xác định nguyên nhân cây sao bị chết. Tại văn bản số 97/CCTT&BVTV, ngày 04 tháng 11 năm 2021 của Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long xác định:
- Về hiện trạng: cây sao đã bị khô chết hoàn toàn đúng như thông tin mà Ban quản trị chùa cung cấp.
- Về nguyên nhân cây sao chết: Có thể do cây già cõi (cây đã trên 700 năm tuổi).
Thiết nghĩ, cây sao bị chết là chuyện hoàn toàn bình thường trong quy luật sinh tử, cây bị chết do nguyên nhân khách quan. Xét thấy cần phải đốn hạ để tránh những thiệt hại do cây đỗ ngã gây ra, nhất là trong sinh hoạt tôn giáo của bà con đồng bào dân tộc, đặc biệt là tết cổ truyền Chol Chnam Thmây sắp đến gần (từ 14/4 – 16/4/2022) là rất cần thiết. Việc đốn hạ cây sao đã chết không ảnh hưởng gì đến di tích lịch sử văn hóa, cây sao trong khuôn viên chùa thì do Sư cả và Ban quản trị chùa quyết định đốn hạ và sử dụng gỗ của cây sao, chính quyền các cấp không can thiệp vào.
Thế nhưng, những người được mệnh danh là “phật tử” của chùa lại can ngăn không cho đốn hạ cây sao, họ cho rằng chưa được sự thống nhất của phật tử. Đây có phải là cái cớ để họ làm khó Sư cả, làm khó Ban quản trị chùa Đại Thọ?, gây trở ngại cho sinh hoạt tôn giáo của bà con đồng bào dân tộc. Việc làm của họ có thực sự là muốn bảo vệ tài sản của chùa một cách đúng nghĩa hay có một lý do, một mục đích riêng nào khác của một nhóm người?. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và rất quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc Khmer nói riêng, nhiều chương trình quốc gia, nhiều chính sách của Chính phủ đã đến với đồng bào dân tộc Khmer của xã Loan Mỹ, đưa đời sống của đồng bào dân tộc tại xã Loan Mỹ vượt qua khó khăn, vươn lên khá giàu, thu nhập bình quân đầu người của xã Loan Mỹ đến cuối năm 2021 đạt trên 51 triệu đồng/người/năm, bằng sự đồng thuận của nhân dân, đoàn kết của hai dân tộc Kinh – Khmer đã xây dựng xã Loan Mỹ đạt xã Nông thôn mới năm 2021.
Qua hành động của một nhóm người cố tình cản ngăn không cho đốn hạ cây sao chùa Đại Thọ vào sáng ngày 23/3/2022 đã đi ngược lại quy luật khách quan, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt tôn giáo của phật tử nói chung, của đồng bào dân tộc Khmer nói riêng, gây hoang mang lo lắng cho cộng đồng dân cư (nếu cây ngã sẽ ảnh hưởng đến các di tích quanh gốc cây sao, đồng thời sẽ đập vào đường dây điện trung thế gần đó). Hơn lúc nào hết, trong lúc này, bà con đồng bào dân tộc Khmer xã Loan Mỹ hãy sáng suốt, không nghe theo những lời xúi giục, bịa đặt, xuyên tạc mà nên đồng tình và ủng hộ Sư cả và Ban quản trị chùa thực hiện đốn hạ cây sao tránh để cây ngã xảy ra những sự việc đáng tiếc, nhất là đang sắp vào mùa mưa bão và các lễ hội truyền thống sắp diễn ra trong tháng 4 và những tháng tiếp theo./.
T.T