Từ trồng cây, gây lại rừng và bảo vệ rừng
Trong quá trình hoạt động cách mạng, với tầm nhìn xa trong rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy được tác dụng to lớn, nhiều mặt của việc trồng cây, gây lại rừng và bảo vệ rừng, Người cho rằng trồng cây tốn kém ít mà lợi rất nhiều, trồng cây không những mang lại nguồn lợi lớn cho đất nước mà làm cho phong cảnh đẹp hơn và khí hậu điều hòa hơn…

Song song với tác dụng của việc trồng cây, gây lại rừng và bảo vệ rừng, Người còn chỉ ra tác hại của việc chặt phá rừng bừa bãi do con người gây ra làm tổn hại đến nguồn lợi to lớn của đất nước và phá hủy môi trường thiên nhiên, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng và đe dọa tính mạng con người ( như: bão, lũ lụt, hạn hán, sạt lỡ đất…)Người nói : “ Nếu cứ để tình trạng đồng bào phá một ít, nông trường phá một ít, thậm chí đoàn thăm dò địa chất phá một ít thì rất tai hại…phá rừng thì dễ, gây lại rừng thì phải mất hàng chục năm. Phá rừng nhiều như vậy sẽ ảnh hưởng đến khí hậu và ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống”.(1)
Do đó Người chủ trương trồng cây nào phải tốt cây ấy. Sự quan tâm của Bác Hồ về trồng cây, gây lại rừng và bảo vệ rừng còn thể hiện trong bản Di chúc của Người để lại trước lúc Người đi xa : “…Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây để làm kỉ niệm, trồng cây nào phải tốt cây ấy, lâu ngày cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp”.(2)
Đến giữ gìn vệ sinh môi trường
Bác Hồ luôn quan tâm đến môi trường sống, điều kiện làm việc của nhân dân, nhắc nhỡ mọi người luôn giữ gìn nơi ở sạch sẽ, thoáng mát; phải ăn sạch, uống sạch và ở sạch mới đảm bảo sức khỏe lâu dài.
Đề cập đến giữ gìn vệ sinh môi trường, trong tác phẩm Đời sống mới, (1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đời sống mới không phải cái gì cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ. Thí dụ: Ăn ở cho hợp vệ sinh, làm việc cho có ngăn nắp…Đó chính là mục đích của đời sống mới”
Những lần đi cơ sở để tìm hiểu đời sống, tâm tư nguyện vọng của Nhân dân, hay khi đến thăm các cơ quan, trường học, bệnh viện…Bác thường kiểm tra, góp ý về công tác vệ sinh, nơi ăn ở và làm việc của cán bộ, công nhân, nông dân…Người nhấn mạnh:con người muốn mạnh khỏe, sống lâu và để lao động sản xuất tốt thì phải ăn ở hợp vệ sinh. Muốn có vệ sinh tốt thì phải ăn sạch, uống sạch, ở sạch; không được vứt rác bừa bãi xuống đường phố hay xuống các dòng sông, giữ gìn vệ sinh công cộng hay ở các nhà máy, tuyệt đối chống gây ô nhiễm môi trường, ( như xã thải và xử lý chất thải không đúng quy trình hay giết mổ gia súc, gia cầm bừa bãi…) nếu không sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân.
Qua đó cho thấy ẩn chứa bên trong tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường không chỉ để thực hiện một phong trào xã hội rộng lớn, mối quan hệ gắn bó giữa con người với môi trường tự nhiên mà còn toát lên một tư tưởng nhân văn rất lớn về sự quan tâm, chăm lo đến sức khỏe và đời sống của Nhân dân, Người đã chỉ cho chúng ta một phương thức, một con đường để phát triển đất nước một cách bền vững trong tương lai.
Thực hiện lời dạy trên của Bác, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, đưa công tác bảo vệ môi trường vào các nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cụ thể hóa để cán bộ, đảng viên và toàn dân thực hiện mang lại nhiều kết quả thiết thực. Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn một số người chặt phá rừng bừa bãi, không nghĩ đến tác hại của việc chặt phá rừng sẽ gây ra sạt lỡ đất, lũ lụt…Trên một số con đường ở vài địa phương trong cả nước vẫn còn một số người không giữ gìn vệ sinh đường phố; vứt rác ra đường hoặc nơi công cộng; không để rác đúng nơi quy định. Ở một số hàng, quán bán trên vỉa hè người ta đổ nước rửa chén, bát xuống cống khiến cho nước thải bị ứ động, cống bị tắt nghẽn, nước không thoát được nhanh, nhất là vào khoảng tháng 8, tháng 10 hàng năm, nước lũ về, triều cường dâng cao…
Hưởng ứng ngày Môi trường Thế giới (5/6), chúng ta khắc sâu lời dạy của Bác Hồ về bảo vệ môi trường. Nâng cao nhận thức và ý thức hơn nữa trong bảo vệ môi trường; cần trồng cây để bảo vệ rừng sẽ không gây ra thiên tai lũ lụt, tích cực phát động phong trào trồng và chăm sóc bảo vệ cây xanh ở vĩa hè, tạo cảnh quan cho môi trường xanh luôn xanh, sạch, đẹp, góp phần bảo vệ bầu không khí trong lành xung quanh ta. Ăn sạch, uống sạch, ở sạch chính là con người đã hòa hợp với môi trường tự nhiên là sống lâu, sống vui, sống khỏe; không được xã rác, nước thải bừa bải mà phải đúng nơi quy định và xử lý nước thải đúng quy trình; không vứt xác động vật xuống dòng sông gây ô nhiễm dòng sông, những cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm phải đảm bảo hợp vệ sinh… Qua đó góp phần chung tay bảo vệ môi trường, xây dựng quê hương Vĩnh Long xanh, sạch, đẹp và ngày càng phát triển hơn trong tương lai./.
Mỹ Kim –Ban Tuyen Giáo Tỉnh Ủy Vĩnh Long
(1) Hồ Chí Minh : Toàn tập-NXB CTQG HN 2011 , tập 11, tr 134
(2) Hồ Chí Minh : Toàn tập-NXB CTQG HN 1995, tập 12, tr 502